Bác sĩ nội trú chắc hẳn là một cụm từ rất quen thuộc đối với các sinh viên ngành Y nhưng lại tương đối lạ lẫm với những người khác. Vậy cùng tìm hiểu xem bác sĩ nội trú là gì và tại sao lại nói nó là chương trình học Y “khó nhằn” nhất.

Tóm tắt nội dung

Bác sĩ nội trú là gì?

Bác sĩ nội trú là tên gọi của một chương trình đào tạo đặc biệt dành cho các sinh viên Y khoa mới ra trường. Thông thường, sau 6 năm học đại học Y, các “bác sĩ sinh viên” mới tốt nghiệp, những ai có bằng loại khá trở lên có thể học tiếp Thạc sĩ hoặc học Bác sĩ nội trú.

Đặc biệt ở chỗ kỳ thi vào nội trú rất khó khăn, chỉ có các sinh viên được đào tạo chính quy mới có đủ điều kiện dự thi và chỉ thi duy nhất một lần trong đời. Chương trình học Bác sĩ nội trú cũng rất nặng. Nhưng bù lại, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, bạn sẽ được cấp hẳn 3 tấm bằng: bằng Thạc sĩ Chuyên khoa I, bằng Thạc sĩ Y khoa và bằng Bác sĩ nội trú. Và sinh viên học suốt 6 năm học đều chỉ nhằm một đích đến là bác sỹ nội trú.

Bác sĩ nội trú là một chương trình đào tạo sau đại học cho sinh viên Y khoa

Tại sao Bác sĩ nội trú là “giấc mơ xa vời” với đa số sinh viên Y?

Vào được một trường đại học Y danh tiếng đã là quá vất vả cho các bạn sinh viên rồi, hoàn thành hết 6 năm học để tốt nghiệp cũng là cả một quãng đường đầy chông gai. Nhưng nói đến học Bác sĩ nội trú, cả sinh viên lẫn giảng viên đều lắc đầu quầy quậy bởi sự khó khăn và khốc liệt của nó. Nhiều sinh viên ví chuyện học Bác sĩ nội trú như chuyện “trên trời”, còn mình là người “dưới đất”, không nói đến làm gì.

Mỗi một sinh viên y khoa thì chỉ có một lần duy nhất trong đời được dự thi bác sĩ nội trú. Không chỉ vậy, điều kiện để được dự thi bác sĩ nội trú còn rất khắt khe là vừa tốt nghiệp và phải được đào tạo chính quy. Được dự thi Bác sĩ nội trú đó vừa là niềm tự hào nhưng cũng là áp lực rất lớn, là sự khốc liệt của kỳ thi đặc biệt này.

Với các tân sinh viên còn lơ ngơ, khi nghe đến cụm từ Bác sĩ nội trú chắc hẳn cũng thích thú lắm, vì các giáo sư hàng đầu của ngành Y Việt Nam hầu hết đều học từ Bác sĩ nội trú mà ra. Tuy nhiên, theo thời gian, niềm thích thú này dần mất đi bởi thực sự học Bác sĩ nội trú là một “giấc mơ” rất khó chạm tay đến. Thậm chí sinh viên phải đặt lộ trình học và ôn thi ngay từ năm nhất, đến năm 5 là chuyển sang giai đoạn nước rút.

Vì chỉ được thi nội trú một lần duy nhất trong cuộc đời, nên chỉ cần một chút sơ sẩy thôi là cánh cửa ấy sẽ đóng lại mãi mãi. Vậy mới nói thi vào nội trú là cả một cuộc chiến khốc liệt. Bạn phải thi 9 môn thi, mỗi môn 90 phút với từ 160 – 180 câu hỏi trắc nghiệm. Không định hướng, không giới hạn, các thí sinh phải tự “bơi” trong đống tài liệu, từ các loại giáo trình trong nước đến sách tham khảo nước ngoài. Sách vở đọc phải tính bằng cân chứ không phải quyển như bình thường. Thế nên chuyện ôn xong môn 9 thì quên môn 1, hay nhầm lẫn “râu ông nọ cắm cằm bà kia” là chuyện bình thường.

Đặc biệt nhất là 2 tháng trước kỳ thi. Tháng 6 tốt nghiệp đại học thì tháng 8 là kỳ thi Bác sĩ nội trú. Các sinh viên phải ăn, ngủ, nghỉ với sách, dồn hết trí lực vào việc ôn thi. Bạn Trần Ngọc Anh, sinh viên năm 2 trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ: “Chị gái em năm vừa rồi cũng thi Bác sĩ nội trú. Tốt nghiệp xong cái là chị ấy gọi em lên ở cùng ngay để lo cơm nước giặt giũ, còn chị tập trung ôn thi. Thấy chị học nhiều hôm đến khuya mới ngủ”.

Để thi vào Bác sĩ nội trú là cả một quá trình gian nan

Đỗ kỳ thi cũng mới chỉ là bước đầu tiên, các sinh viên còn phải trải qua 3 năm học cực kỳ vất vả. Họ sẽ được chính các bác sĩ đầu ngành tận tay hướng dẫn, giảng dạy, học và làm việc 24/24 ở các bệnh viện lớn, với mục tiêu trở thành một thầy thuốc giỏi cả y lí lẫn thực hành. Có thể nói đây là chuyên ngành chỉ dành cho các sinh viên Y khoa giỏi và là nơi đào tạo ra tầng lớp tinh hoa nhất của ngành Y. Chưa hết, khi đã đi làm, các bác sĩ nội trú cũng rất vất vả. Những ca bệnh khó, mọi người trong bệnh viện đều trông mong vào các bác sĩ nội trú, vì họ là những người giỏi và có chuyên môn cao nhất.

Bác sỹ nội trú – giấc mơ của hầu hết sinh viên y khoa

Sinh viên y khoa phải trải qua 6 năm khó khăn trong học tập, và vượt qua hàng chục kỳ thi, các em được cầm trong tay tấm bằng bác sĩ. Sinh viên y khoa có quyền tự hào về thành quả học tập của mình suốt 6 năm, và tự tin đứng vào hàng ngũ nhân viên y tế. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có ba con đường để lựa chọn như sau:

  • Trở thành bác sĩ tại một cơ sở, bệnh viện khám chữa bệnh: Sinh viên sẽ bắt đầu tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế, bệnh viện nơi làm việc.  Sau thời gian dài đã tích lũy đủ kinh nghiệm, sinh viên có thể đăng ký dự thi vào các chương trình đào tạo sau đại học như: cao học, nâng cao chuyên môn, chuyên khoa I, chuyên khoa II, định hướng khoa.
  • Trở thành bác sĩ nội trú: Đây là ước mơ của mọi sinh viên y khoa, nếu các bạn có mong muốn được tiếp tục học tập ngayc hãy đăng ký dự thi vào hệ đào tạo bác sĩ nội trú bệnh viện. Đây được xem  là con đường ngắn nhất để em học tập liên tục sau khi ra trường.
  • Trở thành cán bộ nghiên cứu tại một cơ sở nghiên cứu y khoa trong hoặc ngoài nước.

Có thể nói, chương trình học Bác sĩ nội trú quả thật vô cùng gian nan với sinh viên ngành Y. Nhưng “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, có qua thử thách mới có được những người thầy thuốc không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn sáng ngời y đức.

Ban tư vấn tuyển sinh Cao đẳng Dược Sài Gòn t/h

Rate this post